Về truyện trinh thám [1/2]

Borges, Jorge Luis

Van Wyck Brooks có viết một cuốn sách mang tên Sự đơm hoa kết trái ở vùng Anh Mới (Flowering of New England). Cuốn sách này viết về một hiện tượng mà có lẽ chỉ có khoa chiêm tinh mới giải thích nổi: sự nở rộ các thiên tài trên một mảnh đất nhỏ ở Mỹ trong suốt nửa đầu thế kỷ 19. Tôi đặc biệt yêu thích mảnh đất Anh Mới nhưng lại mang phong cách Old England[1] hết sức đậm nét ấy. Thật dễ dàng lập một danh sách dài vô tận. Chúng ta có thể kể Emily Dickinson[2], Herman Melville[3], Henry Thoreau[4], Ralph Waldo Emerson[5], William James[6], Henry James[7] và dĩ nhiên là Edgar Poe, sinh năm 1809 tại Boston nếu tôi nhớ không nhầm. Ai cũng biết rằng về chuyện ngày tháng, tôi thường không chắc chắn lắm. Nói đến truyện trinh thám cũng có nghĩa là nói đến Edgar Poe, người đã phát minh ra thể loại đó. Nhưng trước khi nói đến một thể loại, cần phải bàn về một vấn đề khác: có tồn tại các thể loại văn học hay không? Ta biết rằng Croce[8], trong cuốn Sách gối đầu giường về mỹ học (Bréviaire d"esthétique) xuất sắc của ông có nói: “Khẳng định rằng một cuốn sách thuộc loại tiểu thuyết, phúng dụ hay nghiên cứu mỹ học, rút cục lại, ở mức độ nhiều hay ít, cũng bằng như nói rằng bìa của nó màu vàng, rằng nó nằm ở ngăn thứ ba bên trái”. Nói cách khác, ông phủ nhận thể loại để đề cao cá tính. Dĩ nhiên, cần phải nói thêm rằng có những cá tính đã hoài công vật lộn để trở thành cái hiện thực ấy, để rồi khi nhận diện chúng, người ta đưa chúng vào thể loại này hay thể loại khác. Khi nói thế, tôi đã khái quát hóa, điều mà có lẽ tôi không có quyền làm. Suy nghĩ có nghĩa là khái quát hóa, và chúng ta sử dụng những kiểu mẫu đầy hiệu quả của Platon để có thể khẳng định bất cứ điều gì. Thế thì tại sao lại không khẳng định rằng có tồn tại các thể loại văn học? Tôi xin thêm một nhận xét cá nhân: các thể loại văn học ít phụ thuộc vào bản thân văn bản mà phụ thuộc nhiều hơn vào cách người ta đọc văn bản. Để một sự kiện mỹ học xảy ra, cần phải có sự gặp gỡ của người đọc và văn bản. Thật vô lý nếu đòi hỏi một cuốn sách phải hơn là một cuốn sách. Nó chỉ bắt đầu tồn tại khi có một độc giả giở nó ra. Khi đó diễn ra một hiện tượng mỹ học có thể gợi nhớ đến thời điểm tác phẩm được hình thành.

Ngày nay có một loại độc giả đặc biệt, những độc giả của truyện trinh thám. Những độc giả này – mà người ta gặp ở mọi nước trên thế giới, với số lượng hàng triệu – chính là những độc giả của Edgar Poe. Hãy giả thiết rằng không hề tồn tại loại độc giả này, hoặc còn thú vị hơn, hãy tưởng tượng đến một người hết sức xa lạ với chúng ta. Chẳng hạn một người Ba Tư, một người Mã Lai, một người nông dân, một đứa trẻ, một người từng nghe nói rằng Don Quichotte là một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Hãy giả thiết rằng nhân vật giả thiết này đã đọc truyện trinh thám và anh ta bắt đầu đọc Don Quichotte. Anh ta sẽ mở đầu như thế nào?

Tại một làng nọ ở xứ Manche mà tôi không muốn nhớ tên, cách đây không lâu, có một nhà quí tộc… Ngay lập tức vị độc giả ấy bắt đầu nghi ngờ, bởi vì độc giả truyện trinh thám là một độc giả hoàn toàn không mê tín và vừa đọc vừa nghi ngờ, một nỗi nghi ngờ đặc biệt.

Chẳng hạn, khi đọc: Tại một làng nọ ở xứ Manche… chắc chắn anh ta sẽ giả thiết rằng sự việc không xảy ra tại xứ Manche. Sau đó: mà tôi không muốn nhớ tên… Tại sao Cervantès lại không muốn nhớ tên cái làng ấy? Chắc chắn đó là nơi trú ẩn của tên tội phạm, của tên giết người. Rồi… cách đây không lâu… Có lẽ những gì sắp xảy ra sẽ không kém phần khủng khiếp so với những gì ta có thể hình dung.

Truyện trinh thám đã tạo nên một loại độc giả đặc biệt. Đó là điều người ta thường quên khi đánh giá tác phẩm của Edgar Poe; bởi vì nếu như Edgar Poe đã sáng tạo ra truyện trinh thám thì ông đồng thời cũng sáng tạo ra độc giả của truyện trinh thám. Muốn hiểu được bản chất truyện trinh thám, ta phải biết bối cảnh toàn bộ cuộc đời Edgar Poe. Tôi tin rằng ông là một nhà thơ trữ tình kỳ lạ. Tôi cũng tin rằng trong toàn bộ sự nghiệp thơ ca của mình, trong ký ức của chúng ta về ông, ông còn kỳ lạ hơn nhiều so với trong những trang viết kỳ dị cụ thể nào đó. Và trong văn xuôi, ông kỳ lạ hơn cả trong thơ. Chúng ta gặp những gì trong thơ Edgar Poe? Chúng ta thấy sự khẳng định ý kiến của Emerson, người đã gọi Edgar Poe là con người sợ hãi, con người của những điệp khúc. Đó chính là một Tennyson khác, mặc dù ông để lại cho chúng ta những vần thơ thật đẹp. Edgar Poe để lại nhiều cái bóng khác nhau. Chúng ta thừa hưởng biết bao nhiêu kho báu từ con người kỳ lạ ấy! Có hai người mà thiếu họ văn học hiện đại không thể như nó đang tồn tại. Hai người đó đều là người Mỹ và cùng sống vào thế kỷ trước: Walt Whitman – cha đẻ của cái mà ta gọi là thơ dấn thân, chẳng hạn thơ Neruda, cùng vô số những tác phẩm khác cả hay lẫn dở; và Edgar Poe, cội nguồn chủ nghĩa tượng trưng của Baudelaire, vị môn đệ đêm đêm tụng niệm thơ ông. Chính từ ông xuất phát hai điều có vẻ rất xa nhau nhưng thực ra lại hết sức gần gũi, đó là ý tưởng coi văn học như là một sự kiện tư duy và truyện trinh thám. Điều đầu tiên – ý tưởng coi văn học là một sự kiện tư duy chứ không phải một sự kiện tinh thần – cực kỳ quan trọng. Điều thứ hai chỉ là phái sinh, cho dù nó đem lại cảm hứng cho những nhà văn kiệt xuất (Tôi nghĩ đến Stevenson[9], Dickens[10], Chesterton[11] – người kế tục xuất sắc nhất của Poe). Loại văn học này nhiều khi bị coi như văn học hạng hai và phải nói rằng thời kỳ rực rỡ nhất của nó đã qua. Ngày nay nó bị thay thế một phần bởi truyện khoa học viễn tưởng, thể loại mà trong số những vị cha đẻ của nó chắc chắn cũng phải có tên Edgar Poe. Xin hãy trở lại với điều chúng ta đã nêu trên – ý tưởng coi thơ như một sáng tạo của tư duy. Ý tưởng này trái ngược hoàn toàn với quan niệm truyền thống cho rằng làm thơ là một thao tác của tâm hồn, hay của tinh thần. Chúng ta có thể lấy ví dụ Kinh Thánh như một sự kiện lạ lùng. Một loạt văn bản khác nhau của những tác giả khác nhau viết trong những thời đại khác nhau với những chủ đề khác nhau, nhưng đã được gán cho một nhân vật vô hình duy nhất: Đức Chúa Trời. Người ta giả thiết rằng Đức Chúa Trời, một thiên tính tối cao hay một trí tuệ vĩnh cửu, đã sử dụng những thư lại khác nhau ở những nước khác nhau để chép vào những thời đại khác nhau những tác phẩm khác nhau của họ. Chẳng hạn, chúng ta có một cuộc đối thoại siêu hình với Sách của Gióp, về lịch sử trong Sách của các vua, về thần hệ trong Sáng thế ký và những lời sấm truyền trong Các sách tiên tri[12]. Tất cả những tác phẩm này khác nhau, nhưng chúng ta đọc như thể chúng do một tác giả duy nhất viết ra. Có lẽ về phương diện phiếm thần luận (panthéiste), không nên quá nghiêm trọng hóa việc chúng ta ngày nay đang là những cá thể khác nhau: chúng ta chẳng qua chỉ là những thành phần khác nhau của thánh thần vĩnh cửu. Nói cách khác, Đức Chúa Trời đã viết mọi quyển sách, cũng như Người đọc mọi quyển sách, bởi vì Người tồn tại – ở những mức độ khác nhau – trong mỗi chúng ta. Nhưng hãy trở lại với Edgar Poe: như chúng ta đều biết, ông đã sống một cuộc đời bất hạnh. Ông chết năm bốn mươi tuổi, vì kiệt sức do rượu, đau buồn và bệnh thần kinh. Chúng ta không cần đi sâu vào chi tiết của chứng bệnh thần kinh ấy. Chúng ta chỉ cần biết rằng Edgar Poe vô cùng bất hạnh, và bất hạnh đối với ông chính là định mệnh. Cố gắng thoát khỏi nó, ông đã vận dụng – một cách rõ ràng là thái quá – trí tuệ siêu việt bẩm sinh của mình. Edgar Poe được coi là một nhà thơ trữ tình vĩ đại, một nhà thơ trữ tình thiên tài, và nhất là khi ông không làm thơ, nhất là khi ông viết văn xuôi, chẳng hạn khi ông viết Những cuộc phiêu lưu của Arthur Gordon Pym. Chúng ta thấy phần đầu của cái tên này là theo kiểu saxon: Arthur, tức Edgar, phần thứ hai theo kiểu Scotland: Gordon, chính là Allan, và sau đó là Pym, nghĩa là Poe, tất cả tương đương với nhau. Edgar Poe được coi là một trí thức còn Pym tự cho là người có thể bàn luận và đánh giá tất cả. Poe đã viết một bài thơ nổi tiếng mà tất cả chúng ta đều biết, nổi tiếng quá đáng bởi đó không phải là một trong những bài thơ hay nhất của ông: bài Con quạ. Sau đó, trong một cuộc nói chuyện ở Boston, ông đã giải thích quá trình sáng tác bài thơ. Đầu tiên, ông nhận thấy vai trò quan trọng của điệp khúc, sau đó ông nghĩ đến ngữ âm của tiếng Anh. Ông khẳng định rằng hai âm dễ ngân vang và có hiệu quả nhất của tiếng Anh là “o” và “r”. Thế là ngay lập tức ông tìm ra cụm từ never more, "không bao giờ nữa". Khởi đầu chỉ có vậy. Sau đó xuất hiện một vấn đề: phải làm sao để hợp lý hóa việc nhắc đi nhắc lại hai từ này, bởi vì nói chung nếu để một người làm việc đó thì không được tự nhiên lắm. Ông tự nhủ không được quá lý trí, và điều đó dẫn ông tới ý tưởng về một con chim biết nói. Ông đã nghĩ tới vẹt, nhưng loài chim này không có được những phẩm chất mà thơ ca đòi hỏi. Thế là ông chọn một con quạ. Nói một cách trung thực, khi đó ông đang đọc cuốn tiểu thuyết của Charles Dickens, Barnaby Rudge, trong đó có chuyện một con quạ. Thế là ông có một con quạ tên là Never more và nó không ngừng nhắc lại tên mình. Đó là tất cả những gì Edgar Poe có lúc ban đầu. Sau đó ông tự nhủ: sự kiện nào đáng buồn nhất, đau khổ nhất? Chắc chắn đó là cái chết của một cô gái đẹp. Ai sẽ là người đau khổ nhất khi nghe cái tin ấy? Dĩ nhiên, đó là người yêu của nàng. Thế là ông nghĩ tới một chàng trai vừa mất người yêu, người yêu có tên là Leonore, để vần với Never more. Chàng trai khi đó đang ở đâu? Poe suy nghĩ: con quạ màu đen. Màu đen nổi bật nhất trên nền màu gì? Màu trắng. Vậy ta hãy chọn màu trắng của bức tượng, một bức tượng của ai nhỉ? Ta hãy chọn bức tượng của Pallas Athènes. Bức tượng đặt ở đâu? Trong thư viện. Edgar Poe giải thích rằng để bài thơ được thống nhất, cần phải chọn một nơi kín đáo. Vậy là ông đặt bức tượng Minerve trong thư viện. Chàng trai ngồi một mình trong đó, giữa những quyển sách của chàng và thương khóc người yêu đã chết, so lovesick more. Sau đó con quạ bay vào. Tại sao con quạ lại bay vào? Như ta đều biết, thư viện là một nơi yên tĩnh, vậy cần phải đưa ra một cái gì đó trái ngược: Edgar Poe tưởng tượng ra một trận bão. Đêm giông bão đã ném con quạ vào thư viện. Chàng trai hỏi tên con quạ, nó kêu lên: never more. Chàng trai đau khổ vật vã, tiếp tục hỏi nhưng nó trả lời tất cả những câu hỏi đó bằng cách lặp đi lặp lại: never more, never more, never more, không bao giờ nữa. Nhưng chàng trai vẫn hỏi, hỏi mãi. Cuối cùng chàng trai nói với con quạ điều mà ta có thể coi là ẩn dụ đầu tiên của bài thơ: Hãy tống khứ cái mỏ của mày ra khỏi trái tim tao rồi cút ra khỏi cửa. Con quạ, (đã trở thành biểu tượng của ký ức, một ký ức – đáng buồn thay – bất tử), con quạ ấy đáp: never more. Chàng trai hiểu rằng chàng đã bị kết án chung thân, rằng trong suốt quãng đời còn lại, quãng đời kỳ ảo còn lại, chàng sẽ phải chuyện trò với con quạ, con quạ chỉ biết khẳng định một điều duy nhất: không bao giờ nữa. Chàng sẽ suốt đời phải đặt cho nó những câu hỏi mà chàng đã biết trước câu trả lời. Nói cách khác, Edgar Poe muốn chúng ta tin rằng ông đã viết một bài thơ lý trí. Nhưng chỉ cần nghiên cứu chủ đề của bài thơ kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ nhận thấy rằng điều đó là giả tạo. Edgar Poe hoàn toàn có thể thực hiện được ý tưởng sáng tác một cách duy lý của mình nếu chọn một gã dở hơi hay một người say rượu thay cho con quạ. Khi đó chúng ta sẽ có một bài thơ khác hẳn và khó giải thích hơn. Tôi tin rằng Edgar Poe rất tự hào về trí tuệ của mình. Ông đã chọn và tự hóa thân vào một nhân vật xa lạ, một nhân vật đã trở thành bạn đồng hành của chúng ta mặc dù không cố ý: đó là một gentilhomme[13], Auguste Dupin, nhà thám tử đầu tiên trong lịch sử văn học thế giới. Đó là một người Pháp, một người quý phái hết sức nghèo khổ, sống cùng với một người bạn ở một khu phố hẻo lánh của Paris. Ở đây chúng ta lại có một truyền thống khác của truyện trinh thám: bí ẩn phải được khám phá bằng trí tuệ, bằng những cách thức của tư duy. Người đàn ông cực kỳ thông minh có khả năng khám phá bí ẩn đó đầu tiên có tên là Dupin, sau đó tên là Sherlock Holmes, rồi cha Brown, và cho đến bây giờ thì còn nhiều cái tên khác nữa, những cái tên cực kỳ nổi tiếng. Nhân vật đầu tiên, một hình mẫu, một chuẩn mực – chúng có thể nói như vậy – chính là Charles Auguste Dupin, nhà thám tử sống cùng với một người bạn, và câu chuyện sẽ được người bạn này tường thuật lại. Đó cũng là một phần của truyền thống do Edgar Poe tạo ra và đã được Conan Doyle[14] kế tục rất lâu sau khi ông chết. Conan Doyle đã tiếp nhận và xây dựng nên một tình bạn giữa hai nhân vật có cá tính rất khác nhau, được gắn kết lại bởi một thứ tương tự như tình cảm giữa Don Quichotte và Sancho Pancha, nhưng hai nhân vật này không bao giờ đạt tới một tình bạn lý tưởng. Chúng ta gặp lại mô-típ này trong Kim qua tình bạn của chàng trai và vị tu sĩ Hindu, và trong Don Segundo qua tình bạn của người chăn súc vật và người đàn ông trẻ tuổi. Đó là một mô-típ rất hay gặp trong văn học Argentina, mô-típ mà ta thấy trong rất nhiều tác phẩm của Gutierrez[15]
(Còn nữa)

,

1 bình luận cho “Về truyện trinh thám [1/2]”

Bình luận về bài viết này